Giỏ hàng

TỪNG BƯỚC CHÂN DU NGOẠN VỀ NGÔI LÀNG "ĂN RỪNG"

"Mọi sự đều do thần linh quyết định. Thần linh (yàng) phù hộ cho ta, còn lũ ma quỷ (chạ) chỉ đem đến điều xui rủi."

Tham quan ngôi làng cổ của người Cil trên cung đường trekking Dong Iar Jieng (Núi Khỉ)

Miền sơn cước bí ẩn

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 50km hướng tỉnh lộ 723, băng qua cánh rừng thông bạt ngàn, những con suối róc rách, dưới những đám mây khảm đặc và cái tiết trời lạnh thấm sương bao phủ cả khu rừng nguyên sinh. Vào sâu thung lũng bên trong, ngôi làng Dong Iar Jieng hiện ra mờ ảo. Khu rừng Bidoup Núi Bà (thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bao quanh toàn bộ ngôi làng, cả buôn chỉ đâu đó khoảng chừng 50 người, chủ yếu là người lớn tuổi. 

Nghỉ chân bên dòng suối mát trên cung đường trekking Dong Iar Jieng (Núi Khỉ)

Từ pơmu, thông hai lá dẹp cho đến trầm hương, quế hồi,... Rồi đủ loài chim chóc, thú vượn, khướu đầu đen,... trải rộng khắp khu rừng làm cho cung đường đến ngôi làng như đi vào chốn bồng lai tiên cảnh đậm chất thơ.

Anh Co Liêng Ha Thành người Cil - Hướng dẫn viên bản địa của Tropical Trekking

Ngôi làng “ăn rừng"

Hoàn toàn tách biệt với thế giới văn minh bên ngoài, bộ tộc người Cil sống khuất sâu trong khu rừng âm u nhiều thế hệ. Bởi lối sống cách biệt, lại ít tiếp xúc với xứ bên ngoài nên phần nào những cảnh vật, con người, phong tục nơi đây đều giữ được một vẻ nguyên sơ.

 Lửa trại trên cung đường trekking Dong Iar Jieng (Núi Khỉ)

Anh Mull K'Vang người Srê - Hướng dẫn viên bản địa

Người Cil sống và “ăn rừng". Săn bắt thú rừng, bắt cá dưới sông suối, hái lượm trong rừng là những nghề phổ biến của người Cil để kiếm đủ cái ăn cái mặc. Người Cil cũng có thể tự canh tác, trồng lúa trồng ngô, cây mít, cây xoài, cà phê, ca cao đủ cả,... Phải chăng, bởi tình yêu rừng nên những ca dao, tục ngữ của người Cil đều được ví von với màu sắc của các loài trái cây, muôn thú. Như bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Tây Nguyên

“Cô gái kia đẹp như lá hành nghiêng

Anh sóc bắt gặp

Cô kia trắng, anh rái cá bắt gặp

Cô kia đẹp, phượng hoàng bắt gặp

Gái mới lớn, heo rừng đâm cây.”

Hay như những bản nhạc dân gian đậm chất  trữ tình

“Chiếc cườm đẹp

Chiếc cườm đá quý

Trái cây chín trên rừng

Cơm đùm trong giỏ anh phải tự đi tìm

Măng pưt măng wai, ê ê măng tre dọc bờ suối

Những cô gái, từng đoàn đi làm chòi cao.”

Chẳng thể thiếu những bài tình ca của các anh trai làng bên chum rượu cần no say

“ Mài rìu mài xà gạc thì tìm đá cứng

Đặt bẫy bắt chim nên tìm lối mòn

Lấy vợ lấy chồng con cô con cậu

Bỏ ruộng thì đói

Cắt váy thì nghèo

Bỏ con cô con cậu thì thành đầy tớ”.

Người Cil cứ ở mãi trong cánh rừng, họ chẳng dời đi đâu. Bởi đó là nơi mà tổ tiên bao đời đã ở sinh sống và ra đi trên mảnh đất này. Từ những ngày thần linh tạo ra con người, đến cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ dưới những trận bom rơi ác liệt, những ngày đất nước thống nhất. Người Cil vẫn cứ một lòng với rừng xanh thẳm.

Cà phê K'Ho đặc sản núi rừng Tây Nguyên. Tham gia cung đường trekking Dong Iar Jieng du khách sẽ được thưởng thức ly cà phê K'Ho nóng hổi.

Thanh niên trong làng bây giờ cũng rất tiến bộ, họ đi ra ngoài xã để học đọc, học viết, học cái “hiện đại”. Ấy thế nhưng bởi đã quen uống nước suối, ăn cơm rừng nên đi xa đến đâu đến tuổi già người Cil vẫn cứ quay về rừng như quy luật “Hổ chết quay đầu về núi".

 

 

 

back to top