Giỏ hàng

HƯỚNG DẪN CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ RẮN CẮN TRONG RỪNG

Trang bị kỹ năng sơ cứu khi bị rắn cắn đúng cách là một trong các kỹ năng sơ cấp cứu mà trekker bắt buộc phải biết khi di chuyển trong rừng.

Không phải loài rắn nào cũng gây nguy hiểm cho con người. Có những sự khác nhau nhất định giữa rắn độc và rắn không độc. Vì thế, khi ở trong thiên nhiên với ít dụng cụ y tế, bạn nên học cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn có thể làm giảm thiểu tối đa các tác hại do nọc độc rắn phát ra đối với cơ thể, hạn chế rủi ro đáng tiếc xảy ra. 

Quan sát Rắn lục Miền Nam trên cung đường trekking nhà Trop 

Nhận biết vết cắn do rắn độc và rắn không độc

Trên thế giới có hơn 3.000 loài rắn, rắn độc chiếm khoảng 15-20% trong số đó. Con số này thấp hơn ở Việt Nam với 140 loài rắn, rắn độc ở đất liền có 18 loài, ở biển có 13 loài khác nhau. 

Bảng phân biệt rắn độc và rắn không độc

Đặc điểmRắn độcRắn không độc
Họ rắn
  • Rắn hổ: rắn hổ đất, hổ mang bành, hổ mang chúa, cạp nong, hổ mèo,...
  • Rắn lục: rắn lục đuôi, chạm quạp, hổ bướm,...
  • Rắn biển
Rắn nước, rắn hổ cá, rắn ri voi, rắn ri cá, rắn ráo, rắn bông súng
Đầu và đuôi
  • Đầu lớn, thường có hình tam giác, cổ nhỏ
  • Đuôi ngắn, phần đuôi từ phía sau hậu môn nhỏ thót lại
  • Đầu nhỏ và có hình bầu dục
  • Đuôi dài, phần đuôi từ phía sau hậu môn nhỏ dần
MắtCon ngươi trònCon ngươi có sọc dọc
Màu sắcDa có màu nổi bật, rít lên tiếng đặc trưng.
Đặc biệt rắn độc đều có những vân hình hoặc tiết kim cương, hoặc có 3 màu trở lên.
Da có màu sắc bình thường, không mấy nổi bật. (Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp đặc biệt)
Răng nanh
  • Răng móc câu: Có 2 răng nanh độc lớn, nằm ở cửa hàm trên. Khi rắn há miệng to có thể nhìn thấy được răng nanh này.
  • Răng ống: Hai răng nanh dài, hơi cong vào bên trong, đầu răng rất nhọn và nhỏ.
Chỉ có hàm răng nhỏ li ti
Vết rắn cắnVì có 2 răng nanh độc, nên chúng để lại rất rõ 2 dấu răng rất rõ cách nhau khoảng 5mm-1cm. Các vết răng nhỏ khác thì mờ hơn.Để lại dấu của cả 2 hàm răng với vết nhỏ hình vòng cung, không có dấu răng nanh.

Triệu chứng khi bị rắn độc cắn

Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi bị rắn độc tấn công:

  • Đau rát dữ dội tại vết cắn kéo dài 15-30 phút, sau đó vết cắn bắt đầu phù nề, bầm tím.
  • Nọc độc lan nhanh khắp cơ thể gây cảm giác ngứa và tê.
  • Nhịp tim tăng mạnh, buồn nôn, khó thở, ngủ gà, cơ thể suy yếu
  • Gây xuất huyết và rối loạn đông máu, hoặc suy hô hấp, ngừng thở

Các trường hợp tử vong do bị rắn độc cắn thường do liệt các cơ, gây khó thở và mất nhiều máu.

Phân biệt rắn độc và rắn không độc dựa trên vết cắn

Hướng dẫn sơ cứu khi bị rắn độc cắn trong rừng

Mục tiêu sơ cứu

Để thực hiện sơ cứu người bị rắn độc cắn, bạn bắt buộc phải hiểu rõ mục đích đó là ngăn chặn và làm chậm nọc độc xâm nhập vào cơ thể nạn nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Hướng dẫn các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn

Khi ở trong rừng, bạn nên thực hiện sơ cứu nạn nhân ngay lập tức, sau đó tìm cách đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.

  • Di chuyển nạn nhân ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.
  • Trấn an nạn nhân, giữ bình tĩnh và hạn chế tối đa di chuyển, cử động. Vì cử động sẽ làm nọc độc di chuyển nhanh hơn.
  • Tháo bỏ trang sức, nới lỏng quần áo khu vực vết cắn.
  • Để nạn nhân nằm với tư thế sao cho vùng tim ngực cao hơn vùng bị rắn cắn.
  • Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.
  • Xác định rõ đặc điểm bên ngoài của con rắn để biết chắc đó là loại rắn gì. Nếu là vết cắn do rắn hổ thì áp dụng biện pháp băng ép vết thương có thể làm chậm quá trình xâm nhập của nọc độc. Tuy nhiên, với một số loài rắn lục, băng ép không hiệu quả.
  • Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân khó thở.

Kỹ thuật băng ép bất động

  • Dùng băng chun giãn, băng vải, hoặc vải xé từ quần áo dài 4-5m, rộng 10cm.
  • Băng chặt vùng vết thương, nhưng không được chặt quá sao cho khi luồn một ngón tay qua giữa nếp băng vẫn sờ thấy mạch đập.
  • Băng vết cắn, kéo dài từ ngón tay/ ngón chân đến hết cánh tay/ chân.
  • Dùng băng quấn cố định thanh nẹp cứng (có thể là khúc gỗ nhỏ, gậy, bìa cứng,...) với tay/ chân.
  • Vết cắn ở tay, dùng thêm dây treo quàng lên cổ nạn nhân để cố định cánh tay.

Hướng dẫn kỹ thuật băng ép bất động khi bị rắn độc cắn

Chú ý: Nạn nhân khi bị rắn độc cắn cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Ngoài những hướng dẫn ở trên, bạn không nên thực hiện các biện pháp chưa được chứng minh như: hút nọc độc, chườm đá, giật điện nạn nhân, rạch hoặc đốt vết thương.

Phòng tránh rắn cắn

Khi di chuyển trong rừng, để tránh làm ảnh hưởng đến loài rắn (bởi vì thiên nhiên chính là ngôi nhà của loài rắn và nhiều loài động vật khác, con người là “khách tham quan”), bạn nên thực hiện các biện pháp an toàn sau:

  • Đi theo lối mòn, không đi vào các khu vực rậm rạp khó quan sát.
  • Che chắn cơ thể cẩn thận với quần dài, áo dài tay, giày cao cổ, mũ rộng vành, hoặc mang xà cạp chống rắn (và cả vắt).
  • Sử dụng đèn pin nếu ở trong bóng tối, hạn chế đi lại vì rắn thường hoạt động vào ban đêm.
  • Không ngủ trực tiếp dưới mặt đất, nên ngủ trong lều kín, lán trại.
  • Khi thấy rắn hãy tránh càng xa càng tốt. Rắn “vô hại" khi chúng thấy bạn không nguy hiểm. Tuyệt đối không đe doạ, không trêu chọc, đuổi bắt rắn, ngay cả khi chúng đã chết rồi.  
  • Không tắm ở khu vực nước đục.
Bạn cũng không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn. Rắn độc rất nguy hiểm, chúng có thể quay lại cắn bạn ngay cả khi đã chết rồi. Bạn nên chụp hình hoặc nhớ đặc điểm nhận dạng của chúng để thông báo lại cho bác sĩ cấp cứu, và trả loài rắn về lại thiên nhiên để bảo vệ sự cân bằng và đa dạng sinh học nhé.

 

back to top