Giỏ hàng

CÁCH XỬ TRÍ NHANH KHI BỊ VẮT CẮN TRONG RỪNG

Vắt trở thành nỗi ám ảnh của nhiều trekker bởi cái tính phục kích “nhanh như chớp” và bám “dai như đỉa".

Vào những ngày trời mưa, không khí ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho những con vắt rừng khát máu tác oai tác quái. Cùng Tropical Trekking tìm hiểu về cách xử trí các con vắt háu đói này nếu bạn chẳng may bị chúng cắn trong rừng nhé.

Hiểu về con vắt

Vắt có hình dạng khá giống con sâu hay con đỉa, chúng dài khoảng 2-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Một bữa hút máu no nê của chúng có thể cứu đói cho đến 6 tháng. Vắt cũng có sở thích riêng, chúng thích sống ở rừng nhiệt đới, hay có khu vực ẩm ướt nhiệt độ khoảng 24-28 độ C

Vắt thường rủ nhau đi săn mồi vào khoảng 5-8h sáng và 17-19h chiều. Đặc biệt là sau những cơn mưa, thời tiết và mặt đất ẩm ướt hơn chính là thời điểm vắt hoạt động mạnh nhất. Bên cạnh đó, để rình mò con mồi, chúng thường làm tổ ở những nơi khuất tầm nhìn như hốc cây, hố trũng,...

Hình dáng của con vắt (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Bởi đặc tính chịu lạnh kém nên các vị trí có nhiệt độ cao, ấm trên cơ thể như nách, bẹn, đùi, cổ,... là những nơi chúng thích nhất. Một khi đã xác định được mục tiêu con mồi, chúng tấn công dứt khoát, bám chắc vào cơ thể và ăn thật no nê. Khi hút máu, con vắt sẽ tiết ra một chất có tên là hirudin, loại hợp chất này có tác dụng ngăn không cho máu đông, để chúng có thể thực hiện việc hút máu dễ dàng hơn. 

Vắt đốt khá êm nên chúng ta khó mà nhận biết được, đến khi thấy da có cảm giác ngứa châm chích mới phát hiện ra thì các anh vắt đã hút no nê. Nếu không xử trí kịp thời, vết cắn khó có thể cầm máu và dễ bị nhiễm trùng.

Vắt thích sống tại những khu vực ẩm ướt, rậm rạp

Các loại vắt bạn dễ gặp phải trong rừng nhiệt đới Việt Nam

  • Vắt đen - hay còn gọi là vắt đất: Hoạt động dưới đất, dưới những lớp lá mục. Cậu bạn này thường chỉ bám từ đầu gối trở xuống.
  • Vắt xanh - hay còn gọi là vắt lá: Hoạt động trên những phiến lá, di chuyển và tiếp cận bằng cách búng. (Một vận động viên nhảy xa tiềm năng của kỳ thế vận hội rừng xanh)
  • Vắt đen nhám: Cậu bạn này thường thấy ở khu vực miền Trung nước ta, nhiều nhất ở khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã. Khác với những người anh em nhỏ nhắn, loài này sở hữu thân hình cơ bắp cuồn cuộn, có vết cắt hình phi tiêu ba nhánh, khoan rất sâu và gây ngứa lâu.
  • Vắt vàng: Cậu này có gu thời trang tốt hơn những người anh em của mình với màu da ngã vàng và có những chấm đen dọc thân hình của mình. Loài này thường thấy ở khu vực Thác Hang Én - Gia Lai.

Cách phòng chống vắt

Chuẩn bị trang phục

  • Bạn nên lựa chọn các trang phục áo dài tay, quần dài, vớ cao kín đáo hay sử dụng xà cạp quanh cổ chân tránh làm hở vùng chân, tay, cổ để ngăn sự xâm nhập của loài vật tí hon này.
  • Quần áo có chất liệu từ len hoặc nilon là chướng ngại vật khó nhằn của loài vắt. Bởi chúng di chuyển bằng cách co đi co lại, nhưng trên những chất liệu này chúng chẳng thể di chuyển được quá 10cm.

Thuốc chống vắt

  • Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại thuốc chống vắt, trước chuyến đi bạn có thể chuẩn bị một chai sẵn trong balo.
  • Vắt sợ chất đắng, mặn nên các bạn có thể pha nước muối đậm hay dùng những loại chất chống côn trùng có vị đắng xịt/thoa vào vùng cổ chân và giày.
  • Một số cách dân gian hay dùng như sử dụng vôi, dầu huynh diệp, giấm,...

Lưu ý khi di chuyển

  • Khi di chuyển trong rừng bạn cũng nên tránh những nơi rậm rạp, ẩm ướt, hạn chế tiếp xúc da trực tiếp với mặt đất. 
  • Khi ngồi nghỉ chân, dựng lều, bạn nên dọn sạch sẽ khu vực xung quanh, rắc muối hoặc dùng thuốc xịt côn trùng. 

Cuộc đọ sức ngang tài của 2 Kỳ phùng dịch thủ làng trekking Việt: trekker & vắt rừng

Xử lý khi bị vắt cắn

Nếu chẳng may bạn bị vắt cắn, bạn lưu ý xử lý nhanh vết thương theo những bước sau đây.

  • Bình tĩnh rút vòi hút máu của con vắt ra khỏi cơ thể, sau đó kiểm tra xem còn con nào nữa không thì bắt chúng ra luôn. Vắt không gây bệnh nên bạn đừng quá hoảng sợ bởi cơ thể “nhớt nhợt" của chúng. 
  • Trong trường hợp chúng bám quá chặt, bạn nên dùng vật có cạnh mỏng như dao, thẻ ATM có sẵn trong balo để khảy ra. Bôi muối xung quanh vết vắt cắn hoặc dùng lửa, chúng sẽ lập tức nhả ra ngay.
  • Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sát khuẩn.
  • Dùng tay ấn chặt vào miệng vết thương để ngăn máu chảy.
  • Sau đó lấy băng gạc y tế băng vết thương lại sau mỗi 15-20 phút đến khi vết thương đã đông máu.
  •  Dùng thuốc bôi Remos IB hoặc Lucas’ Papaw hoặc những loại thuốc bôi côn trùng cắn để giảm ngứa.

Nếu vô tình bạn nên duyên với cậu bạn vắt này thì cứ bình tình gỡ chúng ra rồi trả về thiên nhiên thôi nhé.

 

 

back to top