Giỏ hàng

SINH TỒN NƠI RỪNG SÂU - NHẬN DIỆN VÀ TRÁNH BẪY THÚ

Khi di chuyển trong rừng rậm, việc gặp phải bẫy thú là rất thường xuyên. 

Vậy thì bẫy thú có ở những đâu? Chúng có nguy hiểm không? Làm cách nào để tránh được bẫy thú?

Hôm nay, Tropical Trekking sẽ chia sẻ kinh nghiệm nhận diện và tránh bẫy thú của mình ở giữa rừng rậm, các bạn có thể lưu lại thành bí kíp để cho chuyến đi sau này của mình nhé!

 

1. NHỮNG LOẠI BẪY THÚ THƯỜNG THẤY 

Trong tất cả các tuyến đường của Tropical Trekking, thì tuyến Núi Khỉ (Con Đường Thợ Săn) là tuyến có nhiều bẫy nhất. Bẫy thú thường có 2 LOẠI THƯỜNG THẤY: 

- Bẫy thú nhỏ đa số là bẫy thòng lọng dây cước xe đạp, dùng để bẫy các loài động vật nhỏ như: Nhím, Chuột, Sóc, Tê Tê,... 

- Bẫy thú lớn thường là bẫy trập dùng để bẫy các loài động vật lớn như: Heo Rừng, Nai, Linh Dương, Chồn Dơi,.. 

2. CÁCH NHẬN DIỆN

 - Đối với bẫy thú nhỏ: có 1 cành cây uốn cong xuống đất, có thể ngụy trang hoặc không, dưới đầu cây là 2 thanh gỗ chống, 1 sợi cước xe đạp bắt qua và có 1 lẫy gỗ ở giữa. Thường sẽ đặt thành 1 đường bẫy dài, tạo một "hàng rào" - (phòng khi thú nhỏ không qua được và đi vào bẫy). Mỗi "hàng rào" bẫy trung bình khoảng 50-100 bẫy.

 - Đối với bẫy thú lớn thường là bẫy trập hoặc hiếm lắm là bẫy chông (đào hầm và gắn chông nhọn dưới, phủ ở trên để ngụy trang). Bẫy trập rất nguy hiểm, ngụy trang ở trên là lớp lá khô - rất khó để phát hiện nếu không chú ý dưới chân, thường sẽ có 1 nhánh cây tươi cắm kế bên để đánh dấu tránh người đi rừng đạp phải (hoặc không). 

Ở giữa bẫy trập là 1 miếng kim loại sáng, người đi rừng có thể lưu ý những điểm này tránh đạp phải bẫy.

 *Bẫy thú lớn rất nguy hiểm, không may mắn đạp phải là gãy xương liền*

 

 3. TRÁNH và GỠ BẪY THÚ

 Thường người đặt bẫy sẽ đi thăm 3 ngày 1 lần với bẫy thú nhỏ, 1 tuần với bẫy lớn. Có những bẫy ở trên thòng lọng là mảnh xương chân, xương đùi, dưới bẫy là bộ xương khô của con vật vì người đi bẫy có thể đã quên đi thăm bẫy của mình. Trong rừng vẫn còn rất nhiều bẫy trập đã bị bỏ quên từ lâu, nên đi phải rất cẩn thận từng bước chân của mình khi đi vào vùng săn thú (để biết có thể hỏi người dân khu vực đấy trước khi đi). 

Trước đây, những Local guide (người K'Ho) họ rất sợ tháo bẫy, vì họ sợ những bẫy ấy đã bị chủ nhân ếm bùa, nếu họ gỡ sẽ ảnh hưởng đến họ, nên thường họ sẽ nhờ City gudie gỡ bẫy. Tropical Trekking đã gặp và gỡ hơn hàng trăm cái bẫy suốt những năm vừa qua. Việc gỡ bẫy đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, bạn không nên tự thử một mình. Phương pháp tốt nhất và an toàn nhất là đồng hành cùng những người bản địa, hoặc người hướng dẫn có kinh nghiệm.

 

back to top