Giỏ hàng

NẾU MỘT NGÀY LẠC GIỮA RỪNG, BẠN SẼ SINH TỒN BẰNG CÁCH NÀO?

Nếu một ngày bạn vô tình bị lạc giữa rừng trong chuyến đi khám phá của mình, bạn sẽ phải làm cách nào để đảm bảo an toàn cho bản thân? Dưới đây là những kinh nghiệm sinh tồn giữa rừng sâu mà Tropical Trekking và các bạn trekker đã tích cóp được trong suốt những năm khám phá rừng xanh của mình.

1. ĐỊNH HƯỚNG

Điều đầu tiên bạn cần làm là giữ bình tĩnh, tránh hoang mang lo sợ dẫn đến việc di chuyển lung tung khiến bạn càng khó có thể thoát ra hơn. Trong trường hợp lạc giữa rừng, nếu có la bàn trong tay mà không biết cách xác định thì cũng xem như vô ích.
Điều bạn có thể làm là chọn một vị trí cao nhất có thể đến,  đó là ngọn cây hoặc đỉnh đồi và quan sát để tìm được khu dân cư gần nhất.

Các dấu hiệu nhận biết của khu dân cư thường là nhà cửa, hơi khói; dấu hiệu chăn nuôi, trồng trọt như chuồng trại, đồng ruộng,... Hoặc nếu đó là ban đêm thì bạn có thể dựa vào ánh sáng hay âm thanh có thể nghe được từ khu dân cư sinh sống.
 

Cố giữ bình tĩnh và đứng yên đợi người đến đón là cách tốt nhất khi bị lạc


Tuy nhiên, đối với những người thiếu kinh nghiệm, và không đủ thiết bị, dụng cụ cần thiết thì cách tốt là đứng yên một chỗ và đừng đi thêm nữa, vì rất có thể càng đi sẽ càng lạc sâu vào người và mọi người sẽ khó tìm thấy bạn hơn. Điều bạn cần làm ở yên một chỗ, đốt lửa lên và chờ người đến đón

2. ĐÁNH LỬA


Lửa là một yếu tố không thể thiếu khi sinh tồn trong rừng sâu, có thể giúp bạn trong lúc bị lạc như: giữ ấm, xua đuổi thú dữ, nướng thức ăn hay phát tín hiệu cầu cứu .Khi tham gia các chuyến đi trong rừng, bạn cũng nên có cho mình những dụng cụ hỗ trợ để mồi lửa. Các dụng cụ và thiết bị này thông thường sẽ được guider của các chuyến đi chuẩn bị trước. Bạn có thể tham khảo hai cách đánh lửa dưới đây, tuy nhiên, tốt nhất vẫn là đi theo sát những người có đủ kinh nghiệm và nguyên vật liệu để sinh tồn trong rừng.


Cách 1:
- Đầu tiên, tìm loại củi thích hợp (thường là ngo, các loại gỗ có tinh dầu - bắt lửa tốt và giữ lửa lâu).
- Dùng bình gas mini làm nguồn nhiên liệu để sử dụng đầu khò, lấy đầu khò đốt đến khi nào củi cháy.
Cách làm này khá đơn giản, chỉ cần đừng quên chuẩn bị trước khi xuất phát là bạn đã có thể dễ dàng nhóm lửa ở giữa rừng rồi! Tuy nhiên, ở những nơi độ ẩm cao và không tìm được loại củi phù hợp, việc nhóm lửa sẽ trở nên khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều.

Lửa là yếu tố không thể thiếu để sinh tồn giữa rừng


Cách 2:

- Cần có: Thanh Magie - Sắt (hoặc thanh Magie dùng để đánh lửa)

- Một nhúm bùi nhùi để làm đống mồi lửa gồm những mảnh củi khô, vật liệu tơi xốp khô và dễ cháy (có thể tận dụng nguyên liệu từ trong rừng).
- Cọ xát thật mạnh thanh Magie-Sắt hướng vào đống mồi lửa.
- Mồi lửa xong, xếp củi dần lên theo thứ tự các nhánh nhỏ và dễ cháy trước, nhánh lớn đặt lên sau (lưu ý quan sát giữ lửa) đến khi lửa bắt đầu lớn dần.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về cách mồi lửa, đánh lửa tại đây


3.  NHẬN DIỆN BẪY THÚ


Khi bị lạc và vẫn tiếp di chuyển trong rừng bạn có thể bắt gặp một số bẫy thú được đặt sẵn ở đấy, nếu không nhận diện được từ xa, bạn có thể vô tình dẫm vào dẫn đến những nguy hiểm khác. Dưới đây là một số cách nhận diện bẫy thú mà Tropical Trekking rút ra được kinh nghiệm sau những lần đi trekking:

+ Đối với bẫy thú nhỏ: có 1 cành cây uốn cong xuống đất, có thể ngụy trang hoặc không, dưới đầu cây là 2 thanh gỗ chống, 1 sợi cước xe đạp bắt qua và có 1 lẫy gỗ ở giữa. Thường sẽ đặt thành 1 đường bẫy dài, tạo một "hàng rào" - (phòng khi thú nhỏ không qua được và đi vào bẫy). Mỗi "hàng rào" bẫy trung bình khoảng 50-100 bẫy.

Hình ảnh minh họa cho bẫy thú được đặt trong rừng


+ Đối với bẫy thú lớn thường là bẫy trập hoặc hiếm lắm là bẫy chông (đào hầm và gắn chông nhọn dưới, phủ ở trên để ngụy trang). Bẫy trập rất nguy hiểm, ngụy trang ở trên là lớp lá khô - rất khó để phát hiện nếu không chú ý dưới chân, thường sẽ có 1 nhánh cây tươi cắm kế bên để đánh dấu tránh người đi rừng đạp phải (hoặc không). Ở giữa bẫy trập là 1 miếng kim loại sáng, người đi rừng có thể lưu ý những điểm này tránh đạp phải bẫy.


Ngoài ra bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về cách nhận diện bẫy thú tại đây


4. TÌM NGUỒN NƯỚC UỐNG, THỨC ĂN


Nhiều người nghĩ rằng, khi lạc trong rừng thì thức ăn là một trong những điều cần thiết nhất, tuy nhiên việc tìm được nguồn nước uống quan trọng hơn rất nhiều.
Cơ thể chúng ta có thể thiếu thức ăn khoảng 3 tuần nhưng không thể thiếu nước quá 3 ngày, vì thế nên việc tìm nguồn nước cần được ưu tiên hơn cả. Để tìm được nguồn nước cũng tương tự như việc định hướng, bạn cần tìm một vị trí cao nhất có thể để quan sát tìm nguồn nước.

Thức ăn rất quan trọng, nhưng nước uống càng quan trọng hơn

 bạn cần tìm được nguồn nước uống trước tiên. 

 

Bạn có thể quan sát thấy dấu hiệu của dòng thác hoặc suối gần đó. Nếu bạn nhìn thấy một hàng cây xanh nối dài, đó cũng có thể là nơi có dòng suối. Khi nguồn nước sạch mang theo đã hết mà vẫn chưa tìm được lối ra hoặc có ai tìm thấy bạn thì nguồn nước này có thể giúp ích được rất nhiều trong khoảng thời gian này.

5. ĐỒNG HÀNH CÙNG HƯỚNG DẪN VIÊN CÓ KINH NGHIỆM.


Điều quan trọng nhất khi di chuyển trong rừng sâu là đừng tự đi 1 mình khi chưa đủ kinh nghiệm và dụng cụ cần thiết. Sẽ thật khó khăn nếu bạn di chuyển trong rừng mà không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, vì thế cho nên cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân và chất lượng của chuyến đi là đồng hành cùng người hướng dẫn có kinh nghiệm

Người hướng dẫn sẽ cho bạn biết những việc nên và không nên làm khi di chuyển tại đây, cũng như sẽ chuẩn bị sẵn cho bạn các vật dụng cần thiết trong mỗi hành trình.

Để đảm bảo an toàn, cách tốt nhất là đồng hành cùng guider dồi dào kinh nghiệm đi rừng.

--

Tropical Trekking

Điện thoại: (+84) 0908.569.938

Email: tropicaltrekkingclub@gmail.com

back to top