"Prền bơtang"- Món ăn "thương hiệu" vùng cao.
"Prền bơtang" nghĩa là gì? Đặc điểm nhận diện.
Trong đa phần các món ăn truyền thống của người Cil. Cà đắng da trâu, cà đắng cá khô là 2 món được ưa chuộng nhất. Thông thường da trâu nấu với cà đắng thường chỉ dùng để tiếp đãi khách quý vì cần đến hơn 1 ngày để chuẩn bị. Da trâu được gia đình giữ lại sau những lần hiến sinh hoặc được gia đình khác hiến sinh trâu và chia lại. Sau khi làm sạch lớp mỡ phía trong da, da sẽ được gác trên bếp lửa.
Chính hơi nóng, muội than sẽ bao bọc lấy miếng da và giữ miếng da tách biệt khỏi môi trường bên ngoài. Miếng da có thể được giữ từ vài năm đến vài mươi năm tùy theo gia đình. Khi có dịp khách quý đến nhà hoặc dịp tiệc tùng kỷ niệm, da trâu sẽ được mang ra, chà sạch mụôi than bằng bùi nhùi để lộ lớp da vàng coong bên trong, sau đó sẽ được mang ra nướng trên lửa than và giã mềm bằng rìu/ búa. Mang đi hầm miếng da ít nhất 24 tiếng trong nước sôi liên tục để giải phóng gelatin trong da.
Hình: Canh cà đắng da trâu (Nguồn: Báo Người Lao Động)
Vào ngày tiếp khách, mọi người sẽ hái cà đắng và giã cùng với muối, ớt, tỏi. Việc giã cà sẽ giúp "giải phóng" vị đắng từ trong ruột. Cà giã nhuyễn đem trộn cùng muối, ớt, tỏi tạo nên một thứ muối chấm đặc trưng. Cả hỗn hợp sẽ được đổ vào nồi da trâu đã hầm từ ngày hôm qua và nấu sôi lại thêm 20 phút nữa rồi nêm nếm, thêm hành lá để tăng thêm hương thơm cho món canh. Vị đắng nhưng thanh từ cà đắng, cay nồng từ tỏi ớt, béo ngậy từ da trâu sẽ kích thích vị giác của thực khách. Thường cà đắng da trâu sẽ được dọn ra vào cuối bữa ăn. Khi đó mọi người ngồi quây quần quanh những ghè rượu và cùng húp chén canh "cà đắng da trâu" thơm - nóng - sền sệt để phần tiếp của tiệc kéo dài không dứt...
Ngoài da trâu, người Cil còn dùng cá khô để nấu chung với cà đắng. Cá làm khô thường là Ca Srăng (cá trắng) hoặc Ca liêr lố (cá lau kiếng) sống ở suối. Hàng năm khi chuẩn bị vào mùa khô, cá cũng đã có kích thước tương đối, người ta đi vào suối, làm những cái bẫy cá bằng cách xếp đá lại. Cá bắt lên cũng được gác lên giàn và xông khói tại chỗ, kế bên bờ suối. Thường 1 chuyến đi làm cá kéo dài cả 4-5 ngày có khi là gần 2 tuần.